Tin mới nhất M&E
Doanh nghiệp thiết bị điện: Chiến lược chiếm lĩnh sân nhà
07.10.2011
Sự cần thiết trong việc chủ động cung cấp vật tư đặc thù cho các công trình thúc đẩy Hawee xây dựng nhà máy sản xuất tủ điện, thang máng cáp, ống gió điều hòa
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam đang làm thay đổi toàn diện thị trường ngành cung ứng vật liệu và thiết bị điện. Nếu trước đây, các doanh nghiệp (DN) thiết bị điện tập trung chủ yếu vào cung ứng vật liệu và thiết bị điện chiếu sáng thông thường, thì nay nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị điện hiện đại cho lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Một trong những phân khúc thị trường thiết bị điện được nhiều DN nhắm tới hiện nay là sản xuất tủ điện – thiết bị không thể thiếu trong các DN sản xuất, khu công nghiệp, các công xưởng hoặc các tòa nhà cao tầng. Tùy theo từng loại tủ điện mà công dụng khác nhau. Ví dụ như tủ phân phối có tác dụng phân phối điện từ nơi này đến nơi khác một cách an toàn; bảo vệ qua tải, ngắn mạch… Tủ ATS lại có tác dụng tự động chuyển đổi nguồn điện. Trong trường hợp điện lưới bị cắt, thiết bị này sẽ giúp tự chuyển sang nguồn máy phát điện. và khi có điện lưới trở lại, ATS sẽ tự chuyển từ máy phát điện sang điện lưới…
Hiện đã có một số DN trong nước đã sản xuất được tủ điện và bán trên thị trường nhưng thực chất mới chỉ sản xuất được vỏ tủ. Các thiết bị lõi tủ vẫn phải nhập khẩu là chính. Chính vì vậy, chất lượng chưa đảm bảo và giá thành rất cao. Tại các công trình lớn, các hợp đồng cung ứng và lắp điện thường rơi vào nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng này sẽ thay đổi khi gần đây, nhiều DN thiết bị điện đánh giá được tiềm năng của thị trường này và mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhập khẩu dây chuyền sản xuất tủ điện hiện đại nhằm sản xuất tủ điện chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước. Cụ thể, ngày 22/6 vừa qua, Công ty sản xuất và thương mại Hawee Việt Nam đã chính thức khai trương Nhà máy sản xuất tủ điện Hawee tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Đây nhà máy được xem là lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam với hai dây truyền máy đột dập, cắt, gấp của hãng Trumpf (Cộng hòa Liên Bang Đức) và toàn bộ thiết bị máy phụ trợ cũng được nhập từ các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7). Sản phẩm của nhà máy bao gồm: tủ điện, thang máng cáp, đai giá đỡ được sản xuất dựa trên thiết kế module hóa làm cơ sở cho việc sản xuất hàng loạt, đáp ứng tiến độ và thích ứng với mọi thay đổi, mở rộng mà không phá vỡ kết cấu hệ thống. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo bằng nguyên liệu tốt, như: tôn Nisshin Steel (Nhật), Posco (Hàn Quốc), đồng (Thái Lan) và được quản lý bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. 100% sản phẩm được kiểm nghiệm ngay tại phòng Lab của nhà máy trước khi xuất xưởng.Ông Trịnh Văn Hà - Chủ tịch hội đồng thành viên Hawee cho biết, cho tới nay, Hawee được biết đến như một nhà thầu cơ điện tầm cỡ, có đủ năng lực để đảm nhận toàn bộ các hạng mục cơ điện của các công trình lớn, như: Ecopark, Crown Plaza, Mipec Tower, LuGiaco...
Trước xu thế phát triển và sự cần thiết trong việc chủ động cung cấp vật tư đặc thù cho các công trình, Hawee đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất tủ điện, thang máng cáp, ống gió điều hòa và các loại đai giá để cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với tính chất của mỗi công trình Hawee tham gia xây lắp cũng như cung cấp cho các nhà thầu chuyên nghiệp trong và ngoài nước.Thị trường thiết bị điện nói chung, tủ điện nói riêng đang rất tiềm năng và sôi động. Song theo ông Trần Văn Quân - Giám đốc Công Ty TNHH sản xuất – thương mại xây dựng điện Quân Trần, các DN thiết bị điện Việt Nam muốn chiếm lĩnh được thị trường nội địa, bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, còn phải đảm bảo giá thành cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Đặc biệt, dịch vụ sau bán hàng phải nhanh chóng và thuận tiện bởi thiết bị điện luôn đòi hỏi có độ an toàn rất cao, đảm bảo chất lượng để thiết bị hoạt động an toàn, liên tục. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm Việt đến với các công trình Việt.Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, thiết bị điện và chiếu sáng thường chiếm khoảng 10% giá thành của tổng công trình xây dựng và đang có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy, để giành được các hợp đồng cung ứng và xây lắp điện trước các nhà thầu nước ngoài, không còn cách nào khác, DN thiết bị điện Việt Nam phải nhanh chóng củng cố và tạo dựng được thương hiệu uy tín cho riêng mình. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách trợ giúp để các DN thiết bị điện trong nước được tham gia thi công các công trình, dự án lớn cùng với DN của Nhà nước. Với các công trình dân dự lớn khác, Nhà nước cần tạo cơ chế để các DN thiết bị điện tận dụng thời cơ, giành được các hợp đồng thi công xây lắp. Nếu các DN thiết bị điện trong nước giành được 80% hợp đồng thi công xây lắp điện thì với tỷ lệ 10 - 15% giá trị mỗi công trình, mỗi năm Việt Nam cũng tiết kiệm được hàng trặm triệu USD cho nền kinh tế.
Theo Quy hoạch phát triển ngành thiết bị điện, giai đoạn 2011-2015 ngành này sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 18%/năm; giai đoạn 2016-2025 đạt 15%/năm. Các loại dây và cáp điện chất lượng cao có kim ngạch xuất khẩu tăng 35%/năm, tiến đến năm 2025, Việt Nam có thể sản xuất, cung ứng trọn bộ thiết bị điện trong các công trình đường dây điện và trạm biến áp… |